Nắng mưa thất thường cùng với sự ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, khu đông dân cư tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến mũi (sổ mũi, nghẹt mũi, viêm mũi, viêm xoang...) phát triển. Khi thời tiết chuyển lạnh, các gia đình nên chú ý giữ ấm cơ thể, mang khăn và khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là nên vệ sinh mũi hàng ngày để bảo vệ tai, mũi, họng trong dịp Tết sắp đến.
Các nghiên cứu cho thấy, vệ sinh mũi làm giảm số lần và mức độ viêm mũi, biến chứng của viêm mũi (viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, hen phế quản...) trong năm ở cả người lớn và trẻ em.
allergic-rhinitis1-3441-1421719257.jpg
Các bệnh về hô hấp gia tăng trong mùa lạnh.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Nam Hà - Giảng viên bộ môn Tai - Mũi - Họng, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, ổ mũi có chức năng lưu thông không khí và ngửi mùi, đồng thời đảm nhiệm việc làm sạch, làm ẩm và ấm không khí hít vào. Khi chức năng làm sạch hoạt động tốt, mũi sẽ khỏe mạnh và đảm bảo các chức năng còn lại.
Chức năng làm sạch của mũi do các sợi lông mũi và hệ thống nhầy - lông chuyển đảm nhiệm. Vì vậy, vệ sinh mũi hàng ngày có vai trò quan trọng. Thói quen này giúp làm sạch bụi bặm và các tác nhân gây bệnh bị lông mũi chặn lại, đồng thời giảm gánh nặng cho hệ thống nhầy - lông chuyển. Trong trường hợp có nhiều bụi bặm, uống ít nước, không khí quá khô... vệ sinh mũi làm loãng lớp nhầy đặc trên cùng của hệ thống nhầy - lông chuyển, trả lại độ loãng nhầy thông thường và hỗ trợ chức năng chuyển nhầy.
Xịt mũi nên tiến hành 2-3 lần mỗi ngày (khi đi học về, sau khi bơi lội, trước khi đi ngủ...) theo tư thế đứng hoặc ngồi, đầu nhìn thẳng. Trước hết cần làm sạch vùng tiền đình mũi (vùng có lông mũi), đặt vòi xịt trước cửa mũi, bịt một bên cánh mũi và xịt 3 lần bên còn lại. Sau đó, dùng ngón trở để bịt cánh mũi bên này và hỉ mũi bên kia. Lặp lại 2 bước đầu nhưng xịt sâu hơn vào trong 2 bên mũi.